Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau: Những triển vọng và đôi điều lo ngại cần vượt qua

Danh mục: Tin tức

Tỉnh Cà Mau có khoảng 301.509 ha nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ là hơn 278.600 ha, với nhiều loại hình nuôi như: Siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp… Hiện nay, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh, do đạt kết quả cao về năng suất, tỷ lệ thành công khá và tương đối an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế khá và có tính ổn định trong sản xuất cho người nuôi, là tín hiệu đáng mừng vì có thể đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên qua thực tế tại các địa phương đã triển khai mô hình nuôi này cho thấy đã bộc lộ khá nhiều điều đáng lo ngại cho nghề nuôi tôm của tỉnh, mà để đạt được các mục tiêu tỉnh đề ra đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quản lý đồng bộ và quyết liệt thì mới có thể đảm bảo cho ngành tôm tỉnh nhà phát triển một cách ổn định và bền vững lâu dài. Trong đó, việc quy hoạch các vùng nuôi tập trung phải là giải pháp chủ đạo, tất yếu, bên cạnh các vấn đề về vốn, giống, năng lượng, kỹ thuật, cung ứng vật tư, thức ăn… và đặc biệt là các vấn đề liên quan bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Những kết quả khả quan và những nỗi lo

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, mô hình nuôi siêu thâm canh mà suất đầu tư khá lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, nhiều người không khỏi e ngại, thậm chí hoài nghi sự thành công của nó. Nhưng sau đó với những kết quả rất thuyết phục cả về năng suất, sản lượng lẫn hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi tôm “nhà giàu” này, thì ngày càng có nhiều người nhận thức lại và mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật… để làm theo và hiện nay phát triển mạnh gần như thành phong trào.

Theo các báo cáo của ngành chức năng và UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh tính đến hết quý I/2018 đã vượt hơn 9.600 ha/gần1.600 hộ, trong đó nuôi siêu thâm canh đạt khoảng 1.450 ha/1183 hộ và mô hình nuôi này vẫn đang phát triển mạnh ở Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… Những ao nuôi đã thu đều đạt năng suất khoảng 20 – 50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công trên 80%. Điều đó cho thấy dù chỉ mới xuất hiện hơn hai năm nhưng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển nhanh chóng và đã mang lại những hiệu quả tích cực, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu cho tỉnh, là nhân tố đột phá cần tác động bài bản để tỉnh Cà Mau thực hiện thành công kỳ vọng trở thành trung tâm về ngành tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tuy nhiên, dù loại hình nuôi tôm siêu thâm canh có mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng do thời gian qua người dân ở nhiều nơi trong tỉnh đã phát triển nuôi mang tính tự phát phân tán, nhỏ lẻ chưa được quy hoạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ nên cũng đặt ra những khó khăn thách thức. Như các vấn đề về quản lý, xử lý môi trường, thiếu chính sách và vốn đầu tư, chưa được tập huấn bài bản nên trình độ tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong dân còn thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhất là điện phục vụ sản xuất của người dân chưa đảm bảo… cần phải sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục tốt.

Những mục tiêu lớn đang phấn đấu

Về diện tích, năng suất, giá trị xuất khẩu

Theo đề án ”Nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó có đề cập giải pháp hạn chế việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thời gian tới, chính quyền các địa phương, các ngành phải thường xuyên chủ động giám sát, kiểm tra sâu rộng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân nắm vững các quy định của nhà nước về nuôi tôm siêu thâm canh, đảm bảo an toàn về điện, xử lý tốt nước thải, chất thải… Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ loại hình nuôi này từ khâu cải tạo, xây dựng ao nuôi, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải… phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng quy định.

Về lâu dài, tỉnh Cà Mau tuy có đề ra giải pháp là tiếp tục quan tâm rà soát, điều chỉnh việc quy hoạch các vùng phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung, trong đó có nuôi siêu thâm canh để đầu tư toàn diện hệ thống hạ tầng như lưới điện, giao thông, thủy lợi…, đáp ứng tốt các yêu cầu cho nuôi tôm theo hướng bền vững.  Nhưng xem ra còn nhiều trở ngại khó có thể vượt qua một sớm một chiều được. Như do vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý sử dụng đất, vướng đất rừng và cả đất dân còn rất manh mún khó quy hoạch tập trung vùng nuôi, hay còn rất khó khăn về kinh phí ngân sách chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng về điện, đường, công trình thủy lợi… Riêng về quy hoạch, thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi tuy biết là chưa phù hợp, nhưng chuyện điều chỉnh quy hoạch lại cũng cực kỳ khó, do còn nhiều quan điểm trái chiều “khép hay mở” và cũng vướng đồng vốn quá lớn ngoài khả năng của tỉnh. Ngoài ra, còn bị kìm hãm bởi những hạn chế về nhận thức kinh tế, môi trường, trình độ kỹ thuật, tuân thủ kỹ thuật, sự tôn trọng quy định pháp luật của người dân trong quản lý bảo vệ môi trường vùng nuôi, trong đảm bảo chất lượng con giống, các loại vật tư, thức ăn đầu vào đối với các loại hình nuôi… cũng đều là những cản ngại khó vượt qua.

Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,7 tỷ USD; năm 2025 là 2,8 tỷ USD và 4 tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích tôm siêu thâm canh tập trung đạt 1.500 ha, năng suất bình quân 22 tấn/ha/năm và đến năm 2030 đạt 2.000 ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha/năm. Về diện tích, theo các mốc thời gian này hiện đã gần đạt, còn về năng suất thì với nuôi tôm siêu thâm canh có lẽ không phải bàn thêm. Nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng thì còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác trong suốt quá trình nuôi từng vụ, lẫn vấn đề tổ chức sản xuất, liên kết nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm…Và để biến các mục tiêu kim ngạch xuất khẩu theo mốc thời gian trở thành hiện thực, tỉnh Cà Mau cần phải rất nỗ lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng đẩy mạnh đầu tư bằng các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển thêm các mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao, mà trong đó có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển khá nóng, thì càng phải là mũi đột phá tuân thủ tốt việc bảo vệ môi trường. Nhưng đây lại là vấn đề khó, là thách thức không nhỏ và cũng hết sức bức xúc trong điều kiện trình độ kỹ thuật nuôi, nhận thức và ý thức của người dân, doanh nghiệp hiện nay chưa cao, nhiều người vẫn còn vì lợi ích riêng tùy tiện xả thải ra môi trường mà hầu như chưa bị xử lý gì…

Để nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất, sản lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao như kỳ vọng và đảm bảo an toàn vùng nuôi, thì nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất cho hộ nông dân cá thể và những doanh nghiệp nhỏ theo các loại hình hợp tác phù hợp, lợi ích hài hòa giữa các bên như theo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Cụ thể, cần sớm hình thành liên kết chuổi sản phẩm từ con giống – vật tư – lao động … cho đến thành sản phẩm xuất đi đúng yêu cầu thị trường điểm đến để đạt được các lợi thế về giá cả và thị trường, có đầu ra ổn định.

Về vấn đề đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh cho các vùng nuôi

Đáng lo ngại là qua kiểm tra, khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tại các vùng nuôi cho thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm siêu thâm canh đã đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Trong đó, do bố trí hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nên việc xả thải khá tùy tiện khó kiểm soát. Hay như hầu hết các hộ nuôi tôm siêu thâm canh đều có bố trí ao chứa và xử lý chất thải, nước thải, nhưng lại xử lý không triệt để, diện tích ao chứa chưa phù hợp… Việc khoan cây nước ngầm tùy tiện, tràn lan, khó kiểm soát cũng sẽ tạo ra nhiều nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm, hay chất lượng vật tư, thức ăn, con giống… do “tư vấn dạo” bán trực tiếp cho người nuôi, không có cửa hàng hay cơ sở cố định khó kiểm soát, kiểm tra… cũng là những điều rất đáng lo ngại cho nghề nuôi tôm của tỉnh.

Hướng đi theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn chặt với bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững sẽ mở ra cho người dân Cà Mau hướng đến sản xuất mới thích ứng tốt, bền vững với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng cực đoan. Nhưng trước tốc độ phát triển nhanh của mô hình nuôi này bên cạnh các loại hình nuôi khác, trong đó có các trường hợp nuôi tôm công nghiệp tự phát nằm ngoài quy hoạch, đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các địa phương trong công quản lý, kiểm soát, bảo vệ môi trường, nguồn nước… nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho nghề nuôi tôm trong tỉnh. Mặc dù vậy lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương chủ động xử lý mọi vấn đề liên quan về môi trường và an toàn dịch bệnh cho các vùng nuôi trong thời gian tới. Nhưng cần phải kiên quyết, khẩn trương và quyết liệt hơn nữa thì mới có thể đạt kết quả tốt.

Về đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu sạch cho chế biến

Căn cứ quy trình kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, vốn được kiểm soát rất nghiêm ngặt buộc người nuôi phải tuân thủ để đạt kết quả tốt về mọi mặt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thì loại hình nuôi này nếu phát triển đúng kế hoạch, được quản lý tốt ngay từ các khâu đầu vào trong suốt quá trình nuôi cho đến thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và chế biến xuất đi… đều tuân thủ các quy trình, quy định hoàn toàn có thể đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu sạch, đạt các quy định về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, đặc biệt sản phẩm sẽ khó bị nhiểm bẩn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sơ chế. Khi đó sẽ đảm bảo được việc làm và đời sống công nhân, góp phần thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, củng cố được uy tín và vị trí đứng đầu cho ngành tôm của Cà Mau. Muốn được như thế, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng phải thật sự kiên quyết trong quản lý, chỉ đạo, chủ động trong thanh, kiểm tra, nghiêm minh trong xử lý vi phạm một cách có hiệu quả và không chỉ đối với dân, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng…, mà còn phải thật nghiêm túc, nghiêm khắc đối với ngay trong nội bộ từng cá nhân, đơn vị có trách nhiệm thực thi pháp luật liên quan.

Đôi điều lo ngại cần vượt qua

Qua những vấn đề bức xúc nêu trên, thấy rằng để loại hình nuôi tôm siêu thâm canh được phát triển bền vững, ổn định và mang lại hiệu quả cao cho người dân và địa phương, về phía tỉnh cũng như các ngành chức năng cần khẩn trương và kiên quyết giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp sau đây, mà trước tiên là phải tạo điều kiện để người nuôi đảm bảo được “các yếu tố cần và đủ”, cụ thể:

Những “yếu tố cần” có để hướng đến nuôi tôm “siêu thâm canh”
Vùng nuôi phải được quy hoạch tập trung, có lưới điện quốc gia và đủ nguồn cấp điện ổn định; có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm hay có nguy cơ bị đe dọa bởi các yếu tố độc hại, nhất là từ nguồn nước thải công nghiệp; ở gần đường giao thông thủy bộ thuận tiện; đất có chất lượng phù hợp, đủ diện tích cho thiết kế xây dựng ao ở nhiều quy mô với hệ thống ao chứa và xử lý chất thải, nước thải tương xứng, an toàn.

Các “điều kiện đủ” cần thỏa mãn cho nuôi tôm “siêu thâm canh”

Có tổ chức sản xuất phù hợp và liên kết tốt với cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; có hợp đồng cung ứng con giống, vật tư, hóa chất, thức ăn… an toàn đầu vào đảm bảo đạt chuẩn, đúng chất lượng yêu cầu, giá cả đầu ra phải chăng, ổn định suốt vụ nuôi đến thu hoạch xong; điều kiện đặc biệt bắt buộc là người trực tiếp nuôi phải được tập huấn đầy đủ, nắm vững các quy trình kỹ thuật và phải tuân thủ nghiêm chỉnh trong suốt các vụ nuôi.

Để đáp ứng tốt “các yếu tố cần và điều kiện đủ” này, cần có những bước đi cụ thể như:

+ Tỉnh sớm có đề xuất Trung ương cơ chế chính sách đặc thù cụ thể về vấn đề quản lý sử dụng đất cho Cà Mau nhằm đáp ứng nhu cầu đất trong đề án phát triển nuôi tôm siêu thâm canh tập trung, như theo phương pháp “dồn điền đổi thửa” là hướng mà tỉnh đang hướng đến, hoặc dân có thể bán hay cho doanh nghiệp thuê dài hạn và kể cả xin sử dụng một phần đất lâm nghiệp không xung yếu, đất nông nghiệp năng suất thấp…  cho việc hình thành những vùng nuôi tập trung quy mô lớn với đầy đủ hạ tầng phục vụ theo các yếu tố cần.

+ Các địa phương, ngành chức năng nên khẩn trương tổ chức lại sản xuất cho vùng nuôi để thỏa mãn “các điều kiện đủ”; đồng thời, có đầu tư hạ tầng đồng bộ, khép kín và ổn định. Chọn mô hình nuôi nào đảm bảo tốt hơn về môi trường, không, hay ít thải nước thải, và kiên quyết không cho phát sinh nuôi lẻ ngoài vùng quy hoạch tập trung để không phá vỡ quy hoạch và cũng nhằm tạo điều kiện cho vùng được giữ ngọt hóa hoặc vùng phải đảm bảo về an toàn lương thực sẽ sản xuất có hiệu quả thiết thực do không thể nuôi tôm theo các loại hình hiện hữu.

+ Khẩn trương rà soát quy hoạch và phê duyệt, xây dựng lại hệ thống thủy lợi sao cho phù hợp tình hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đề án mới, tránh việc xây dựng đồ sộ gọi là có công trình nhưng dàn trãi, cản trở nhiều mặt, gây lãng phí và không hiệu quả. Trong đó, cần xem xét giải tỏa hệ thống cống, đê bao khép tiểu vùng nào không mang lại kết quả về cấp thoát nước, cản trở giao thông, thủy lợi, lưu chuyển hàng hóa… mà cũng cản trở tiến trình phát triển nuôi tôm công nghiệp bền vững, nhất là nuôi siêu thâm canh.

+ Ngành chức năng, ngân hàng… cần có cơ chế đảm bảo cho vùng nuôi, người nuôi siêu thâm canh có đủ vốn, nắm vững kỹ thuật, nhận thức và ý thức tốt về bảo vệ môi trường vùng nuôi, có công trình xử lý phù hợp, quản lý tốt về chất lượng con giống, thức ăn tôm, hóa chất… Khắc phục tình trạng người nuôi chỉ biết qua truyền miệng nhau về kỹ thuật, không nắm vững kỹ thuật, không cần kỹ thuật.

+ Tỉnh cần rà soát, quy hoạch và đề ra cơ chế khuyến khích nhằm đẩy mạnh công tác sản xuất, cung ứng nguồn giống tôm đạt chuẩn; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm túc các vi phạm từ mọi nguồn cung nhằm đảm bảo đủ tôm giống chất lượng cho các vùng nuôi và cần phải có giải pháp kiểm soát hiệu quả mạng lưới công ty, cửa hàng các loại vật tư, thức ăn…

+ Điều cuối cùng là cần kiên quyết chống nuôi tôm siêu tham canh chạy theo phong trào, bằng cách tránh quy hoạch, bố trí nuôi và hỗ trợ đầu tư “theo đuôi” ở những nơi không đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước, không đảm bảo về các vấn đề môi trường và có tác động xấu đến các loại hình nuôi khác ở vùng bên cạnh. Vì nuôi siêu thâm canh chạy theo phong trào có thể không đạt các “điều kiện cần và đủ” sẽ dễ thất bại hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn, là tự hại mình mà còn hại lây người khác và cũng phá hỏng những chương trình, mục tiêu lớn của tỉnh.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng