Cá chép bỏ ăn, lở loét, chết nhiều, là mắc bệnh gì?

Danh mục: Kỹ thuật nuôi ; Tin tức

Cá chép là loài có diện tích nuôi khá rộng rãi hiện nay. Giống như những loài cá khác, cá chép nuôi cũng mắc rất nhiều bệnh. Những triệu chứng bỏ ăn, lở loét trên da, và chết rải rác  là thường gặp nhất trên đàn cá nuôi. Vậy cá chép có thể mắc các bệnh gì?

Cá chép bỏ ăn, lở loét, chết nhiều là do…

Nhiễm Vi khuẩn

Cá chép rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhiều loại khuẩn gây hại rất nhanh chóng khiến cá bị stress và xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Cá thường nhiễm vi khuẩn Aeromonas, là một loại vi khuẩn cơ hội. Chúng chỉ gây bệnh cá Chép khi có các yếu tố khác gây stress trước cho cá như đánh bắt xây xát, thả cá với mật độ cao hay môi trường nuôi bị ô nhiễm. Khi cá chép khi bị nhiễm khuẩn: trên cơ thể sẽ xuất hiện một mảng lở loét lớn màu đỏ, cá cũng thường bị hoại tử vây, đuôi. Các vết loét thường không sâu, bề mặt trở nên có màu nâu khi nó bị hoại tử hoặc thối rữa. Ngoài ra, có thêm một số triệu chứng khác như tuột vảy, tổn thương phần miệng, mắt bị mờ hoặc lồi, bụng trướng to, xung huyết và tắc nghẽn các nội quan, xuất huyết ở gốc vây, xương nắp mang, xung quanh hậu môn. Bệnh trên cá chép này thường gặp vào cuối xuân, đầu hè.

Aeromonas trên cá chép là một loại vi khuẩn cơ hội

Vi khuẩn Streptococcus gây bệnh trên hầu hết các loài cá, trong đó có cả cá chép. Khi nhiễm vi khuẩn này, cá chép sẽ bơi lờ đờ, kém ăn hay bỏ ăn, hậu môn gốc vây chuyển màu đỏ, nội tạng và cơ xuất huyết, thận, gan, lách mềm nhũn, bụng trướng to.

Bệnh do virus

Triệu chứng chính của bệnh do virus Rhabdovirus carpio là xuất huyết. Bệnh này xuất hiện từ giai đoạn giống đến lúc cá trưởng thành. Virus này thường xuất hiện khi nhiệt độ xuống thấp, vào cuối đông đầu xuân. Bệnh do virus này có thể lây lan rất nhanh từ môi trường nước, tỷ lệ thiệt hại có thể lên đến 30%. Cá bệnh thường tách đàn, da sẫm màu, mất cân bằng bơi không định hướng. Bụng cá chướng to, chứa nhiều nước và dịch nhờn, nội quan xuất huyết và sưng to.

Herpesvirus (KHV) là virus gây bệnh đặc trưng trên cá chép, hay cá KOI nuôi cảnh, không gây bệnh trên cá trắm cỏ. Bệnh cũng xuất hiện khi nhiệt độ thấp. trong vòng 24–48 giờ sau khi nhiễm bệnh cá đã bắt đầu chết với tỷ lệ rất cao. Bệnh gây hại nhiều hơn trên cá giống. Nhiễm virus này, cá chép bị ảnh hưởng nặng ở mang, cá có thể sốc do ngạt thở. Kiểm tra mô học cho thấy mang cá có nhiều đốm hoại tử, tiết rất nhiều nhớt, da thường bạc màu và phồng rộp. Tỷ lệ chết của cá cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiệt độ.

Herpesvirus (KHV) là virus gây bệnh đặc trưng trên cá chép

Bệnh do ngoại ký sinh trùng

Bệnh do trùng quả dưa gây bệnh trên cá chép thường được gọi là bệnh đốm trắng. Loại ký sinh trùng này rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường. Bệnh này thường xuất hiện và gây chết cá ở giai đoạn cá hương, cá giống và có thể gây hại ở nhiều loài cá. Bệnh này xảy ra mạnh nhất vào cuối xuân đến mùa thu ở miền Bắc. Xuất hiện lúc mát trời vào mùa mưa tháng 7-9 hay các tháng 11, 12 và tháng Giêng ở miền Nam. Da, mang, vây của cá bị nhiễm trùng quả dưa tạo thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt. Cá bệnh nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.

Triệu chứng thường thấy khi cá chép nhiễm trùng mỏ neo là xuất hiện những nốt đỏ, xuất huyết, các vùng bị viêm loét trên mình cá, cá thường gầy yếu, đầu to, da mất dần màu sắc bình thường, bơi lờ đờ chậm chạp, phản ứng kém với người và các sinh vật định hại. Khi bị trùng mỏ neo ký sinh, ngoài việc hút chất dinh dưỡng của cá chúng còn làm viêm loét da, vây, mang tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng khác như nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

Trùng mỏ neo hút chất dinh dưỡng trên cá chép

Bệnh do nấm

Nấm thủy mi chính là loại nấm thường gây hại nhất cho cá chép. Nhiều nhất là ở giai đoạn trứng. Khi cá bị bệnh nhẹ rất khó phát hiện bằng mắt thường, đến khi phát hiện được bằng mắt thường thì bệnh đã nặng. Đầu tiên, trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Cá bị bệnh nấm thủy mi có hiện tượng bơi lội hỗn loạn, không bình thường, do bị kích thích ngứa ngáy, thích cọ sát vào các vật thể trong nước, làm tróc vẩy trầy da tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh xâm nhập làm cá bị bệnh nặng hơn và tác hại sẽ nghiêm trọng thêm.

Nấm thủy mi chính là loại nấm thường gây hại nhất cho cá chép

Phòng và điều trị các bệnh trên cá chép

Đa số các bệnh trên cá chép đều chưa có thuốc đặc trị, do đó cần phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để phòng ngừa các mầm bệnh trước khi chúng có có hội gây bệnh cho cá.

Đầu tiên là chú ý đến các yếu tố môi trường, tăng cường diệt khuẩn khử trùng ao nuôi định kỳ 10 ngày/lần bằng Iodine Violet hoặc Thuốc tím.

Nên nuôi cá với mật độ thích hợp, tránh tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị tổn thương; duy trì và ổn định nhiệt độ trong ao bằng nhiều cách như duy trì mực nước ao 1,5m, phủ bèo tây 2/3 mặt ao…

Tăng cường quản lý chăm sóc, cho ăn đủ chất, đủ lượng và đúng thời điểm. Thường xuyên trộn vitamin C Vitan, men tiêu hóa Biobactil để nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi.

Dùng Sepio diệt ngoại ký sinh trùng và nấm trong nước, đồng thời kiểm soát sự phát triển quá mức của tảo với liều 1kg/4000-5000m3 nước. Với trùng mỏ neo có thể dùng thêm lá xoan 0,4-0,5kg/m3 nước.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trốngTrở lại cửa hàng